Khi căng thẳng nổi lên giữa người Do Thái và người Ả Rập, và khi không có sự ủng hộ rõ ràng của chính quyền cai trị Anh, cộng đồng Do Thái nhận ra rằng họ phải tự lực để bảo vệ mình.
Sau những cuộc tấn công năm 1921 của người Ả Rập, Haganah được lập nên để bảo vệ những người định cư Do Thái. Haganah nói chung chỉ có tính chất phòng thủ, và đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thành viên của nó ly khai và lập ra Irgun (ban đầu được gọi là Hagana Beth) năm 1931. Irgun trung thành với cách tiếp cận tích cực, gồm cả ám sát và khủng bố trong cách trả đũa những cuộc tấn công và bắt đầu những hành động vũ trang chống lại người Anh, trong khi Haganah thường tỏ ra ôn hoà hơn.
Tính chất vũ trang của Irgun cũng được thể hiện trong nhiều kế hoạch tấn công khủng bố chống lại người Ả Rập, gồm cả dân thường. Một sự chia rẽ nữa lại diễn ra khi Avraham Stern rời Irgun để lập nên Lehi. Không giống như Irgun, Lehi từ chối bất kỳ một hợp tác nào với người Anh, thậm chí trong Thế chiến thứ hai, và những phương pháp hành động của nhóm này tỏ ra cực đoan hơn.
Những nhóm đó có một ảnh hưởng lớn đến những sự kiện ở khoảng thời gian trước Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, như Aliya Beth - cuộc di cư bí mật từ châu Âu, sự thành lập Lực lượng Phòng thủ Isreal và sự rút lui của người Anh, cũng như việc thành lập những cơ chế nền tảng của các đảng chính trị vẫn còn tồn tại ở Israel ngày nay.
Thành lập quốc gia
Năm 1947, khi xung đột vũ trang ngày càng gia tăng với các nhóm quân sự Do Thái và những nỗ lực hoà giải không thành công giữa người Do Thái và người Ả Rập, chính phủ Anh quyết định rút khỏi Lãnh thổ ủy trị Palestine của Hội Quốc Liên. Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Kế hoạch phân chia năm 1947 của Liên hiệp quốc chia lãnh thổ đó làm hai quốc gia, với vùng Do Thái chiếm khoảng 55% diện tích và vùng Ả Rập khoảng 45%. Theo kế hoạch, Jerusalem sẽ trở thành một vùng do Liên hiệp quốc quản lý để tránh xung đột về trạng thái của nó.
Ngay sau khi kế hoạch phân chia của Đại hội đồng Liên hiệp quốc được thông qua ngày 29 tháng 10 năm 1947, David Ben-Gurion chưa dứt khoát chấp nhận nó, trong khi Liên đoàn Ả Rập từ chối nó. Nhiều cuộc tấn công của người Ả Rập vào dân cư Do Thái nhanh chóng biến thành xung đột khắp nơi giữa người Ả Rập và người Do Thái, các xung đột này là giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh giành độc lập năm 1948.
Ngày 14 tháng 5 năm 1948, trước khi hết thời hạn uỷ trị của Anh tại Palestine vào lúc nửa đêm ngày 15 tháng 5 năm 1948, nhà nước Israel được tuyên bố thành lập.
Hoa Kỳ, Liên Xô và nhiều nước khác đã công nhận sự độc lập của Israel.
Chiến tranh giành độc lập và di dân
Sau khi nhà nước Israel được thành lập, quân đội Ai Cập, Syria, Jordan, Liban và Iraq tham gia chiến đấu và bắt đầu giai đoạn hai của Chiến tranh Ả rập-Israel 1948 bằng việc tấn công Israel từ mọi phía nhằm duy trì trật tự cũ. Từ phía bắc, Syria, Liban và Iraq tiến tới sát biên giới. Các lực lượng Jordan tiến vào từ phía đông, chiếm Đông Jerusalem và bao vây phần phía Tây thành phố.
Tuy nhiên, các lực lượng Haganah, nhờ sự tài ba trong chiến thuật và điều hành đã ngăn chặn thành công đa số quân các nước Ả Rập, và các lực lượng của Irgun ngăn chặn thành công quân Ai Cập ở phía nam. Đầu tháng 6, Liên Hiệp Quốc tuyên bố một tháng ngừng bắn trong thời gian đó Lực lượng Phòng thủ Isreal được chính thức lập ra.
Sau nhiều tháng chiến tranh, người Israel đã đánh bại hoàn toàn Liên quân Ả Rập, một sự ngừng bắn được tuyên bố năm 1949 và các biên giới tạm thời, được gọi là Giới tuyến xanh, được lập ra. Israel đã có thêm được 26% lãnh thổ uỷ trị phía tây sông Jordan. Về phần mình, Jordan, chiếm các vùng núi rộng lớn của Judea và Samaria, sau này được gọi là Bờ Tây. Ai Cập giành quyền kiểm soát một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển, sau này được gọi là Dải Gaza.
Trong và sau cuộc chiến, Thủ tướng lúc đó David Ben-Gurion bắt đầu lập ra luật lệ bằng cách giải tán tổ chức vũ trang Palmach và các tổ chức bí mật như Irgun và Lehi. Hai nhóm đó thậm chí còn bị xếp vào các tổ chức khủng bố sau khi giết hại một nhà ngoại giao Thuỵ Điển.
Một số lượng lớn người Ả Rập bị đẩy khỏi vùng đất Israel mới thành lập. (Những ước tính về con số người tị nạn cuối cùng trong khoảng 600.000-900.000 với con số chính thức của Liên hiệp quốc là 711.000[6]). Cuộc xung đột tiếp tục giữa Israel và thế giới Ả Rập gây ra sự chuyển dịch địa điểm sinh sống của dân cư và vẫn còn lại đến ngày nay.
Sự di cư của những nạn nhân còn sống sót sau sự diệt chủng và những người tị nạn Do Thái từ những vùng đất Ả Rập làm dân số Israel tăng lên gấp đôi chỉ sau một năm độc lập. Trong thập kỷ tiếp sau đó, gần 600.000 người Do Thái Mizrahi, những người đã phải bỏ chạy hay bị trục xuất khỏi các nước Ả Rập xung quanh và Iran đã nhập cư vào Israel.
Thập kỷ 1950 và 1960
Từ 1954 đến 1955, Moshe Sharet làm thủ tướng, Giải pháp Lavon, một nỗ lực không thành công nhằm ném bom các mục tiêu ở Ai Cập, đã gây ra sự hổ thẹn chính trị cho Israel.
Thêm vào đó, năm 1956, Ai Cập quốc hữu hoá kênh Suez, trước sự thất vọng của Anh và Pháp. Tiếp sau đó là một loạt các cuộc tấn công của Fedayeen, liên minh quân sự bí mật do Israel lập nên với sự hỗ trợ của hai đồng minh châu Âu đó và họ tuyên chiến với Ai Cập. Sau Cuộc khủng hoảng Suez, ba nước đồng minh phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế và Israel buộc phải rút các lực lượng của mình khỏi Bán đảo Sinai.
Năm 1955, Ben Gurion một lần nữa lại lên làm thủ tướng và giữ chức vụ này đến tận khi ông từ chức năm 1963. Sau sự kiện đó, Levi Eshkol được chỉ định làm thủ tướng.
Năm 1961, người tội phạm chiến tranh Phát xít Adolf Eichmann, chịu trách nhiệm chính về "Giải pháp Cuối cùng", bị bắt và sau đó bị xét xử tại Israel. Eichmann là người duy nhất bị xử tử tại toà án Israel.
Trong lĩnh vực chính trị, căng thẳng lại nổi lên giữa Israel và các nước xung quanh vào tháng 5 năm 1967. Syria, Jordan và Ai Cập lại chuẩn bị chiến tranh, và Ai Cập trục xuất Các lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hiệp quốc ra khỏi Dải Gaza. Cuối cùng, Ai Cập đóng cửa eo Tiran đối với các tàu Israeli, mà Israel coi là một casus belli (sự khơi mào chiến tranh) và tấn công phủ đầu Ai Cập ngày 5 tháng 6. Sau Cuộc chiến sáu ngày giữa Israel và các nước Ả Rập, nhà nước Do Thái nhanh chóng giành được thắng lợi.
Israel đã đánh bại toàn bộ quân đội của ba nước Ả Rập lớn và tiêu diệt hầu như toàn bộ không quân của họ. Về lãnh thổ, Israel chiếm được Bờ Tây, Dải Gaza, Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan. Giới tuyến xanh năm 1949 trở thành biên giới hành chính giữa Israel và Các vùng lãnh thổ chiếm đóng của họ, cũng được gọi là Các vùng lãnh thổ tranh chấp. Tuy nhiên, Israel đã mở rộng quyền cai trị hành chính của mình đến tận Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan. Nhưng Israel trao trả lại Sinai cho Ai Cập. ]]
Năm 1969, Golda Meir, nữ thủ tướng duy nhất của Israel cho tới nay, thắng cử chức vụ Thủ tướng Isreal.
Thập kỷ 1970
Từ 1968 đến 1972 là giai đoạn được gọi là Chiến tranh tiêu hao, nhiều cuộc chiến nhỏ xảy ra dọc biên giới giữa Israel và Siria, Ai Cập. Hơn nữa, những năm đầu thập kỷ 1970, Các nhóm vũ trang Palestine lao vào một làn sóng tấn công mạnh mẽ nhất từ trước đó chống lại Israel và các mục tiêu của người Do Thái ở các nước khác. Đỉnh điểm của làn sóng này là vụ tấn công vào Thế vận hội 1972 tại München.
Trong cuộc Thảm sát tại München, các phần tử vũ trang Palestine đã bắt làm con tin và giết hại các thành viên đoàn thể thao Israel. Israel trả đũa bằng chiến dịch Sự giận giữ của Chúa trời, trong đó các nhân viên Mossad đã ám sát hầu hết những người có tham gia vào vụ thảm sát.
Cuối cùng, ngày 6 tháng 10 năm 1973, vào ngày nhịn ăn Yom Kippur của người Do Thái, quân đội của Ai Cập và Syria tung ra một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel. Tuy nhiên, dù đã sắp đặt kế hoạch từ trước, Ai Cập và Syria sau những thành công ban đầu, quân đội Israel (IDF) phản kích mạnh và dần đưa Liên quân Ai Cập, Syria trở về vạch xuất phát, khiến họ không thể đạt được mục đích là chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất năm 1967.
Tuy vậy, sau cuộc chiến này là một khoảng thời gian yên tĩnh kéo dài nhiều năm, góp phần làm không khí trong vùng bớt căng thẳng và Israel cùng Ai Cập đã có hoà bình với nhau.
Năm 1974, sau khi Meir từ chức, Yitzhak Rabin trở thành thủ tướng thứ năm của Israel. Sau đó, trong cuộc bầu cử Knesset (nghị viện của nhà nước Israel) năm 1977, Ma'arach đảng cầm quyền từ năm 1948, đã tạo ra một cơn bão chính trị khi rời khỏi chính phủ. Đảng Likud mới, do Menachem Begin lãnh đạo trở thành đảng cầm quyền.
Sau đó, vào tháng 10 năm ấy, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, đã thực hiện một cuộc viếng thăm lịch sử tới quốc gia Do Thái, phát biểu trước Knesset — lần đầu tiên Israel được công nhận từ phía các nước Ả Rập. Sau chuyến thăm đó, hai nước tiến hành các cuộc thương lượng dẫn tới việc ký kết Hiệp ước Trại David.
Tháng 3 năm 1979, Begin và Sadat ký kết Hiệp ước hoà bình Israel-Ai Cập ở Washington, D.C.. Tuân thủ hiệp ước, Israel rút quân khỏi Bán đảo Sinai và phá huỷ các khu định cư đã lập nên ở đó từ thập kỷ 1970. Hai nước cũng đồng ý trao lại quyền tự trị cho người Palestine phía bên kia Giới tuyến xanh.
Thập kỷ 1980
Ngày 7 tháng 7 năm 1981, Lực lượng Không quân Israel ném bom lò phản ứng hạt nhân của Iraq tại Osiraq trong nỗ lực nhằm ngăn chặn ý định sản xuất bom nguyên tử của Iraq.
Một lần nữa, năm 1982 Israel tung ra một cuộc tấn công nhằm vào Liban, lúc ấy đang trong tình trạng nội chiến) từ năm 1975. Lý do chính thức của cuộc tấn công là để bảo vệ những khu định cư ở phía cực bắc Israel khỏi những cuộc tấn công khủng bố, vốn thường xảy ra trước đó. Tuy nhiên, sau khi lập ra một vùng đệm 40 km, Lực lượng Phòng thủ Isreal tiếp tục tiến về phía bắc và thậm chí chiếm cả thủ đô Beirut.
Các lực lượng Israel trục xuất các lực lượng của Tổ chức giải phóng Palestine ra khỏi Liban, buộc họ phải rời đến Tunis. Không thể giải quyết các căng thẳng phát sinh từ cuộc chiến đang diễn ra, Thủ tướng Begin từ chức năm 1983 và được thay thế bời Yitzhak Shamir. Dù Israel đã rút quân khỏi phần lớn Liban năm 1986, một vùng đệm vẫn được giữ lại cho đến tận tháng 5 năm 2002 khi Israel rút quân hoàn toàn khỏi Liban.
Những năm cuối thập kỷ 1980 là sự di chuyển quyền lực liên tục giữa cánh hữu do Yitzhak Shamir lãnh đạo cho cánh tả của Shimon Peres. Ví dụ, Peres là thủ tướng từ năm 1984, nhưng đã trao lại chức vụ cho Shamir năm 1986. Sau đó Phong trào Intifadah thứ nhất nổ ra năm 1987 kéo theo nhiều làn sóng bạo lực ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Sau khi cuộc bạo động bùng phát, Shamir một lần nữa lại được bầu làm thủ tướng năm 1988.
Thập kỷ 1990
Trong thời gian Chiến tranh vùng Vịnh, Israel bị Iraq dùng nhiều tên lửa tấn công, nhằm mục đích buộc Israel phải tuyên chiến. Tuy nhiên, Israel không trả đũa dù những vụ tấn công đó đã làm thiệt mạng hai người dân Israel.
Sau cuộc chiến, Hoa Kỳ tăng sức ép buộc các bên xung đột ở Trung Đông ngồi vào bàn đàm phán hoà bình. Hội nghị hoà bình Madrid khai mạc tháng 3 năm 1991. Các đảng cực hữu coi quá trình này là một sai lầm nghiêm trọng và lật đổ chính phủ của Shamir dẫn tới cuộc bầu cử năm 1992.
Những năm đầu của thập kỷ được đánh dấu bởi sự khỏi đầu của làn sóng nhập cư ồ ạt của những người Do Thái đến từ Xô viết. Theo đạo Luật về sự quay trở lại, những người này được trao quyền công dân Israel ngay khi đặt chân tới đất nước. Khoảng 380.000 người đã trở về chỉ riêng trong năm 1990-91. Dù ban đầu ưa chuộng cánh hữu, những người mới nhập cư sau này đã trở thành mục tiêu để chinh phục của Đảng Lao Động thông qua một chiến dịch tranh cử.
Đảng Lao Động công kích cách giải quyết vấn đề việc làm và nhà ở của người mới nhập cư của đảng cầm quyền Likud. Vì thế, trong cuộc bầu cử năm 1992, họ đã quay sang ủng hộ đảng Lao Động, dẫn tới chiến thắng đầy kịch tích 61:59 bên trong Knesset của đảng Lao Động.
Sau cuộc bầu cử, Yitzhak Rabin trở thành thủ tướng, lập nên chính phủ liên minh cánh tả. Trong thời gian tranh cử, đảng của ông đã hứa hẹn một sự cải thiện sâu rộng về vấn đề an ninh và tìm kiếm hoà bình với các nước Ả Rập "trong vòng 6 đến 9 tháng" sau cuộc bầu cử.
Chính phủ đã thực hiện nhiều hành động mang tính chất "những bước xây dựng lòng tin", nhưng không mang lại kết quả nào. Bởi vì sự an toàn của các công dân Israel ngày càng xấu đi, tỷ lệ ủng hộ Rabin giảm sút.
Tới cuối năm 1993 chính phủ từ bỏ các sáng kiến sớm chết yểu của Madrid và ký một hiệp định đầy bất ngờ (Hiệp định Oslo) với Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Năm 1994 Jordan trở thành nước láng giềng thứ hai của Israel thoả thuận hoà bình với nước này.
Sự ủng hộ rộng rãi ban đầu của dân chúng đối với Hiệp định Oslo đã bắt đầu giảm sút khi Israel gặp phải một làn sóng tấn công khủng bố lớn nhất từ trước tới nay của các nhóm quân sự Hamas phản đối hiệp định. Sự ủng hộ của công chúng càng mất đi khi người Israel ngày càng tin tưởng rằng hiệp định được Yasser Arafat ký kết với ý đồ lừa gạt, bởi vì ông và các quan chức lãnh đạo PLO ca ngợi những hành động của Hamas và đưa ra những lời bình luận mang tính kích động, cũng như họ không thể kiềm chế nổi các nhóm quân sự.
Sự bất bình của dân chúng với chính sách đối ngoại của chính phủ cộng với nỗ lực bất thành của Rabin nhằm tiến hành một cuộc đối thoại với đối lập khiến cho sự thù địch với ông này sinh. Ngày 4 tháng 12 năm 1995, một người Do Thái cực đoan tên là Yigal Amir ám sát ông.
Sự mất tinh thần của dân chúng sau vụ ám sát đã tạo nên một phản ứng dữ dội chống lại những người không ủng hộ Hiệp định Oslo và tạo ra một cơ hội lớn chưa từng có cho Shimon Peres, người kế tục của Rabin và là kiến trúc sư của Hiệp định Oslo, để chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1996 sắp tới.
Tuy nhiên, một làn sóng đánh bom tự sát mới cộng với những lời bình luận tán dương của Arafat dành cho người đạo diễn những vụ khủng bố là Yahya Ayyash, đã làm công chúng lại thay đổi ý kiến một lần nữa và vào tháng 5 năm 1996 Peres thất bại sít sao trước đối thủ thuộc đảng Likud là Benjamin Netanyahu.
Dù bị coi là người kiên quyết chống lại Hiệp định Oslo, Netanyahu đã rút quân khỏi Hebron và ký bản Giác thư sông Wye trao quyền kiểm soát rộng hơn cho Chính quyền quốc gia Palestine. Thời Netanyahu nắm quyền, Israel trải qua một giai đoạn yên tĩnh không xảy ra nhiều vụ khủng bố, nhưng những chính sách đầy mâu thuẫn của ông làm cho cả hai phe xa lánh và cuối cùng đã buộc ông phải rời chính phủ năm 1999.
Ehud Barak của đảng Lao Động, với hình ảnh đầy ấn tượng thời quân đội được những người cánh hữu ủng hộ, đánh bại Netanyahu với khoảng cách lớn trong cuộc bầu cử năm 1999 và lên làm thủ tướng.
Thập niên 2000
Sau đó Barak bắt đầu đơn phương rút quân khỏi Liban vào năm 2000. Thủ tướng Israel và Yasser Arafat một lần nữa tiếp tục thương lượng với Tổng thống Bill Clinton vào tháng 7 năm 2000. Tuy nhiên những cuộc thương lượng không mang lại kết quả mà chỉ là sự tẩy chay từ phía Palestine đối với những đề xuất của Barak về một Nhà nước Palestine. Thất bại của các cuộc đàm phán khiến cả cánh tả, cánh hữu Israel rút lui sự ủng hộ của họ cho Barak vì có nghi ngờ đối với phong trào hoà bình.
Khi những cuộc đàm phán sụp đổ, các nhóm Palestine bắt đầu một cuộc nổi dậy thứ hai, được gọi là Al-Aqsa Intifadah, ngay sau khi lãnh đạo đối lập Ariel Sharon đến thăm Đền Mount ở Jerusalem.
Sharon lên làm thủ tướng mới vào tháng 3 năm 2001 và sau đó tái cử cùng với đảng Likud trong cuộc bầu cử Knesset năm 2003. Dù trước đó là một người thuộc phe diều hâu, Sharon đã đưa ra sáng kiến về một kế hoạch đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza. Dù gây nhiều tranh cãi, cuộc rút quân đã được tiến hành từ giữa tháng 8 và tháng 9 năm 2005.
Từ khi bắt đầu phong trào Al-Aqsa Intifadah, hơn 1.000 người Israel, đa số là dân thường, đã bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công/khủng bố của người Palestine.
Hơn 4.000 người Palestine bị giết, theo nguồn tin của Israel đa số họ là những kẻ khủng bố hoặc chiến binh, cho dù có một số lượng lớn dân thường, gồm cả trẻ em cũng thiệt mạng. Israel cũng xây dựng Bức tường Bờ Tây, với mục đích bảo vệ Israel khỏi tấn công và khủng bố. Bức tường này chạy quanh co và vượt ra ngoài Giới tuyến xanh, đã gặp phải nhiều sự chỉ trích từ phía cộng đồng quốc tế, dù nó tiếp tục được đa số dân Israel ủng hộ.